Triển lãm sẽ khai mạc sáng 15/8/2012 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Từ ngày 15.8 đến hết ngày 31.12.2012, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I sẽ tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ năm 2012 với chủ đề “Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn 1802-1945”.
Tài liệu triển lãm gồm rất nhiều 132 phiên bản thuộc khối Châu bản
triều Nguyễn, có niên đại từ Gia Long đến Bảo Đại (1802-1945). Triển lãm
lần này nhằm giới thiệu đến công chúng các hình
thức ngự phê của Vua triều Nguyễn. Qua đó, phần nào cung cấp thêm những
thông tin về tư tưởng chỉ đạo của nhà Vua trên văn bản cũng như cách
thức phê duyệt trong chế độ văn thư triều Nguyễn.
Châu
bản triều Nguyễn là các tập tấu, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư,
trình, sớ, bẩm....được đích thân nhà Vua Nguyễn ngự lãm hoặc ngự phê
bằng mực màu son. Thông qua nhà Vua Ngự phê truyền
đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao,
kinh tế, văn hóa, xã hội... dưới thời nhà Nguyễn. Việc ngự phê của các
Vua triều Nguyễn là một trong những đặc điểm độc đáo của Châu bản. Ngự
phê thường có các hình thức: Châu điểm là một nét son được chấm lên đầu văn bản sau khi được nhà Vua xem duyệt và chuẩn tấu; Châu phê
là một đoạn, một câu hay một vài chữ do đích thân nhà Vua viết, có thể ở
đầu, ở cuối hoặc chen vào giữa các dòng văn bản thể hiện sự phê duyệt,
cho ý kiến chỉ đạo; Châu khuyên là những vòng son được nhà Vua khuyên lên điều khoản, tên người hoặc vấn đề được nhà Vua chấp thuận; Châu mạt
là những nét son được Vua phết lên tên người hoặc vấn đề nào đó. Khi
nhà Vua dùng châu mạt, thì tùy từng trường hợp có thể là được chấp
thuận, mà cũng có thể là không chấp thuận; Châu sổ là những nét son được gạch sổ trực tiếp lên những chỗ cần sửa chữa hoặc không được chấp thuận; Châu cải là chữ do đích thân Vua viết lại bên cạnh những chữ đã gạch, tỏ ý sửa chữa.
Tài liệu trưng bày tại triển lãm được chia
làm 10 phần, đó là ngự phê của các Vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị,
Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại.
Toàn bộ tài liệu được trưng bày tại sảnh tầng
1 trong tòa nhà hành chính của Trung tâm. Ngoài phần giới thiệu chung,
mỗi phần có giới thiệu riêng; mỗi tài liệu được thuyết minh cụ thể về
hình thức cũng như nội dung ngự phê của các vua triều Nguyễn.
Phần
đầu của triển lãm người xem được thấy bút tích của Gia Long vị Vua sáng
lập nhà Nguyễn, ông phê trên các tờ khải của Ngự y viện Thái Y về các
vị thuốc nhà Vua dùng trong khi lâm bệnh nặng vào năm Kỷ Mão (1819).
Trong thời gian này mọi công việc nước nhà đều phải giao cho Hoàng Thái
tử chính là Vua Minh Mệnh sau này quán xuyến.
Tiếp
theo là phần giới thiệu Ngự phê của Vua Minh Mệnh là vị Hoàng đế tiêu
biểu của nhà Nguyễn, những công lao của ông và thành quả đạt được trong
suốt 21 năm trị vì đã được lịch sử ghi nhận, các vị Vua kế tiếp noi theo
và thi hành. Nội dung ngự phê của Vua Minh Mệnh trên Châu bản triều
Nguyễn tập trung chỉ đạo các chính sách khuyến nông nhằm phát triển kinh
tế nông nghiệp, hy vọng đạt đến cảnh dân an, nước thịnh và thực hiện
nhiều cải cách trên các lĩnh vực: hành chính, giáo dục, đào tạo tuyển
chọn nhân tài, văn hóa dân tộc, hoàn thiện luật pháp và đề cao pháp trị,
mọi người đều phải tôn trọng pháp luật, tăng cường củng cố chế độ quân
chủ trung ương tập quyền.
Qua chữ son “Ngự
phê” của Vua Tự Đức trên Châu bản triều Nguyễn; Tự Đức quyển số 104; tờ
số 204, ngày 15 tháng 4 năm Tự Đức 12 (1859), viện Cơ mật tấu về việc
quân sự, thì thấy “Vua phê còn dài hơn lời tâu”, chứng tỏ nhà Vua rất
chăm chỉ và cẩn thận việc chính sự. ( Hình ảnh minh họa)
Ngự phê của các Vua Gia
Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị thể hiện uy quyền của nhà Vua Nguyễn. Sau
thời Tự Đức, khi đất nước gặp lâm nguy thì ngự phê của các Vua sau này
thể hiện quyền hạn của triều đình Huế bị thu hẹp, một số quyền do thực
dân Pháp nắm giữ.
Phần
cuối của triển lãm giới thiệu đến người xem bút tích của Vua Bảo Đại là
vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn. Ông sang Pháp du học từ nhỏ
được tiếp cận những tư tưởng tiến bộ. Nhưng sau khi trở về nước Bảo Đại
trong cương vị làm Vua một nước nô lệ, không dám dấn thân chống Pháp như
các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, ông để cho sở thích lao theo thú
tiêu khiển thể thao, săn bắn..... Nhà Vua ngự phê trên Châu bản bằng ba
loại chữ Việt, Pháp, Hán và sử dụng các hình thức phê như châu điểm,
châu phê, châu cải, châu sổ. Ngự phê của Vua Bảo Đại tập trung chủ yếu
trên các văn bản có nội dung phản ánh các việc như kinh tế, thưởng phạt
quan lại, tế lễ, ngoại giao...