Cụm di tích: Chùa - Điện - Đền Huy Văn
Chùa Huy Văn tên chữ Dục Khánh Tự, là nơi ra đời của vua Lê Thánh Tông. Địa chỉ: số 3/34 ngõ Văn Chương; cổng Tam quan ngõ Huy Văn, Số 147 phố Tôn Đức Thắng, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chi tiết: Quý vị tham khảo: Nhóm FB: "Chùa Huy Văn"
Chùa Huy Văn gắn liền với cuộc khủng hoảng hoàng cung đầu tiên dưới triều Lê sơ. Bị vu cáo bởi phi tần sủng ái Nguyễn Thị Anh của vua Lê Thái Tông (1434-1442), bà tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đang có mang đã được các đại thần Nguyễn Xí và Nguyễn Trãi che chở cho ra lánh nạn ở chùa này, tránh khỏi đi đày xa tận An Quảng. Cũng chính tại đây, bà đã sinh ra và nuôi dạy hoàng tử Tư Thành trong thời niên thiếu để sau này trở nên vị vua anh minh Lê Thánh Tông. Được lên ngôi (1460) Lê Thánh Tông đã tôn bà Ngọc Dao làm Quang Thục hoàng thái hậu, cho tu sửa chùa để mẹ tiếp tục tu hành ở đấy và đặt tên là "Dục Khánh tự" với ý nghĩa kỷ niệm nơi mình đã được sinh thành và dưỡng dục. Đến khi bà mất (1469), đức vua lại cho tạc tượng, đúc chuông và xây lại điện Huy Văn ở ngay sân trước chùa để làm đền thờ hoàng thái hậu. Sau tượng và chuông bị kẻ trộm lấy mất; năm Vĩnh Trị thứ 3 và thứ 4 (1678 – 1679), nhà chùa quyên góp làm tượng và chuông khác. Dục Khánh Tự toạ lạc trên đất thôn Huy Văn, thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long. Xưa kia còn gọi là chùa Hoa Văn vì nằm cạnh bến đò Hoa của sông Kim Ngưu và hồ Văn Chương. Đương thời, bài văn bia “Huy Văn điện Dục Khánh tự bi ký” dựng ngoài hiên điện Huy Văn ca ngợi rằng ngôi chùa này “…hội tụ nhiều linh khí nhờ đức Càn Khôn, được khí thiêng hun đúc và có điềm ngôi sao lớn tựa cầu vồng hiện trên bến Hoa, ánh chớp sáng loè ngoài đồng nội, đồ sộ thay, huy hoàng thay…”. Ngày nay hồ Văn Chương bị thu hẹp và sông Kim Ngưu trở thành lạch nước thải. Từ phố Tôn Đức Thắng (trước kia là phố Hàng Bột) du khách có thể vào chùa qua Tam quan mới mở ra ngõ Huy Văn, hoặc bằng lối cổng cũ ở ngõ Văn Chương. Trên hiên điện Huy Văn có dựng vào năm 1823 một tấm bia đá khác, đề “Trùng tu Huy Văn điện bi ký”. Theo lệ cổ, cứ đến ngày đức vua Lê Thánh Tông băng hà, dân làng tổ chức tưởng niệm trọng thể, rước kiệu lên đền thờ vua ở phố Hàng Hành. Ngày 26 tháng 2 âm lịch hàng năm, dân làng lại tổ chức cúng giỗ Quang Thục Hoàng Thái hậu. Văn bia cổ trong chùa còn ghi các đợt sửa lớn vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) và Tự Đức thứ 17 (1864). Trải qua với những biến động chính trị, thiên tai và chiến tranh suốt 5 thế kỷ, chùa Dục Khánh và điện Huy Văn đã được tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc “tiền Thần hậu Phật” (điện phía trước, chùa phía sau). Trong đợt đại trùng tu năm 2013-2014 các công trình chính đã được sửa lại hầu như hoàn toàn, tất cả cửa bức bàn và cột kèo của các nếp nhà một tầng đều làm bằng gỗ; riêng giảng đường cao ba tầng thì xây mới và sử dụng bê tông cốt thép. Cuối năm 2013 đã dựng xong cổng Tam quan mới và lát sân gạch, xây tường bao. Hai bên điện Huy Văn rộng 5 gian có điện Thánh Mẫu 3 gian và nhà Tổ cũng 3 gian. Năm 2014 xây Lầu Cô và Lầu Cậu trước điện Thánh Mẫu cùng vườn tháp mộ và giảng đường khá to ở sau nhà Tổ, lại đắp thêm trên lưng hậu cung điện Huy Văn một bức phù điêu lớn miêu tả Phật Thích Ca và các đệ tử toạ thiền trong vườn Lâm Tỳ Ni. Bái đường và hậu cung điện Huy Văn nối liền thành hình chữ “Nhị”. Tịnh xá và Trai đường nằm dọc hai bên hậu cung như hai hành lang nhỏ kéo xuống Tam bảo. Hành lang bên phải dựa lưng vào vườn tháp. Hành lang bên trái gối đầu vào cửa ngách thông ra cổng hậu cũ ở phía ngõ Văn Chương, chỗ có tượng hai vị Hộ pháp nhìn sang cổng đền Văn chỉ Hà Nội. Toà Tam bảo ở phía sau điện Huy Văn thì xây theo kiểu chuôi vồ, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, ngoài hiên treo bức hoành phi đề “Dục Khánh thiền tự”. Toà Tam bảo gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện. Trong Phật điện có nhiều lớp tượng, lớp trên cùng bày 3 pho Tam thế. Lớp thứ hai ngồi chính giữa là tượng Lê Thái Tông, xung quanh vua có tượng bốn vị tứ trụ triều đình. Lớp thứ ba đặt tượng Quán thế âm nghìn mắt nghìn tay. Lớp thứ tư bài trí tượng Cửu Long ở giữa, bên trái là tượng Quán thế âm tống tử, bên phải có tượng bà nội của vua Lê Thánh Tông. Lớp thứ năm đặt tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Chùa Dục Khánh và điện Huy Văn ngoài tính tôn giáo còn mang tính vương quyền. Cách bày ban thờ ở đây khác hẳn chùa khác ở chỗ ngoài tượng Phật còn có các tượng vua quan triều đình. Pho tượng Lê Thánh Tông trước đặt ở chùa Khán Sơn (cạnh phủ Thủ tướng ngày nay), khi quân Tây Sơn ra Thăng Long có toán loạn binh phá chùa này, người ta mới rước về chùa Huy Văn. Việc đặc cách cho phối thờ Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa họ với Ngô Thị Ngọc Dao và Lê Thánh Tông, đồng thời thể hiện sự tôn kính hai vị ân nhân của mẹ con vua và ngầm coi như đời trước xử sai vụ án Lệ Chi viên. Nguyễn Thị Lộ là thiếp yêu của Nguyễn Trãi, vốn xinh đẹp lại giỏi văn chương, được Lê Thái Tông mời vào cung giữ chức Lễ nghi học sĩ để dạy các cung tần mỹ nữ. Vợ chồng bà bị vu cáo mưu sát vua tại vườn Lệ Chi, kết án chết thảm cùng ba họ. Tượng bà tạc ở tư thế ngồi, cao 60cm, đầu đội mũ hai bên có 2 bông hoa cúc cách điệu, ở giữa có hổ phù; y phục giản dị, khuôn mặt hơi cười, mắt vui miệng tươi, tai dài, cổ cao 3 ngấn; tay phải lần tràng hạt, tay trái để lên đùi, chân đi hài đen. Tượng Nguyễn Trãi cũng tạc ở tư thế ngồi, cao 60cm, đầu đội mũ cánh chuồn của đại thần; áo triều phục có thắt đai và thêu hoa cúc, cổ áo có 7 bông hoa cúc; đầu, râu tóc bạc, lông mày trắng, mắt nhìn thẳng hiền từ, tai dài, tay phải cầm một cành cây trên có lông mầu bã trầu, tay trái để trên đùi, chân đi hài đen, toàn khuôn mặt toát lên vẻ đăm chiêu. Nhớ lại khi xét công ban thưởng đợt đầu tiên cho 221 người tham gia Bình Ngô thì Nguyễn Trãi chưa có tên. Tới đợt xét sau ông mới được giữ chức quan phục hầu, đứng bậc thứ 8 trong 9 bậc. Cho nên tượng ông bà được đặt ở lớp thứ 5 cũng là một đặc cách. Năm 1996 chùa Huy Văn được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia.
|